• CÔNG TY TNHH QUỐC TẾ

    CHÍNH ĐẠT

  • Tin tức

    Kubota Chính Đạt lý giải trung tâm mạ khay máy cấy vì sao chưa phát triển ở Hà Nội?

    admin

    Tháng Sáu 27

    Bà Trương Thị Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Chính Đạt – đại lý máy nông nghiệp Kubota của Nhật Bản chia sẻ trăn trở về các Trung tâm mạ khay, máy cấy.

    Ý tưởng của Kubota

    Trong cơ giới hóa đồng bộ cho cây lúa hiện nay thì các khâu làm đất, gặt đập đạt tỷ lệ rất cao còn mạ khay, cấy máy lại rất thấp. Vậy Kubota khi đưa mạ khay, máy cấy vào Việt Nam là dựa trên ý tưởng, nhu cầu như thế nào? Liệu có cạnh tranh được với cấy tay ở miền Bắc hay gieo sạ ở miền Nam không? Và Trung tâm mạ khay máy cấy đạt chuẩn Kubota có gì khác biệt với những đơn vị sản xuất mạ khay khác?

    Các khâu cơ giới hoá cho cây lúa đạt tỉ lệ cao nhưng riêng mạ khay, cấy máy lại rất thấp vì những nguyên nhân sau: Khâu gieo cấy tại mỗi địa phương Bắc, Trung, Nam đều áp dụng hình thức khác nhau và chủ yếu là gieo sạ. Gieo sạ không tốn nhiều chi phí ban đầu so với cấy máy và cũng không phải phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào như cấy máy; Sự quan tâm của các cơ quan chính quyền trong việc áp dụng cơ giới hóa ở khâu gieo cấy chưa thực sự mạnh mẽ và đồng đều tại các địa phương; Áp dụng mạ khay máy cấy đòi hỏi nhiều chi phí ban đầu hơn gieo sạ.

    Tất cả những điều trên góp phần làm cho tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu gieo cấy rất thấp so với các khâu khác trong sản xuất. Kubota đưa mạ khay cấy máy vào Việt Nam dựa trên những đánh giá và nhu cầu như: Thời tiết khắc nghiệt tại khu vực phía Bắc và tập quán canh tác cấy tay là tiền đề cho việc áp dụng cấp máy dễ dàng được bà con chấp nhận hơn; Những khu vực làm lúa giống cũng như sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ (đặc biệt cho xuất khẩu) đòi hỏi phải áp dụng cấy máy; Những khu vực được hỗ trợ mạnh mẽ để phát triển mạ khay máy cấy từ chính quyền địa phương.

    Bà Trương Thị Hạnh- Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Chính Đạt, đại lý máy nông nghiệp Kubota. Ảnh: Dương Đình Tường.

    Thực tế, trên phạm vi cả nước hiện tại máy cấy không thể cạnh tranh với gieo sạ được lý do chủ yếu đến từ tập quán địa phương, từ chi phí đầu tư ban đầu…Nếu muốn phát triển mạnh mẽ cơ giới hóa trong khâu gieo cấy đòi hỏi có sự tham gia quyết liệt từ chính quyền địa phương và phải có định hướng rõ ràng trong việc áp dụng. Nếu chỉ có một số doanh nghiệp nhỏ lẻ thì không thể thúc đẩy được việc này.

    Còn về chuyện trung tâm mạ khay tiêu chuẩn Kubota có gì khác biệt thì đây là nơi áp dụng những tiêu chuẩn sản xuất mạ khay mà Kubota đã đúc kết trong toàn hệ thống; Làm sao cây mạ không những đảm bảo tiêu chuẩn để cấy máy và còn đảm bảo cho việc phát triển sau đó, có năng suất và chất lượng tốt hơn so với gieo sạ. Trung tâm còn là mô hình điển hình cho các địa phương có thể áp dụng và phát triển bền vững khâu làm mạ và cấy máy dưới sự hỗ trợ từ Kubota cũng như các sản phẩm máy móc của Kubota.

    Cách đây mấy năm tôi có dự lễ khánh thành một Trung tâm mạ khay máy cấy đạt tiêu chuẩn Kubota ở Hà Nội thấy đây là mô hình kinh doanh nông nghiệp hiện đại khi sản xuất và phân phối mạ khay đạt tiêu chuẩn cho khách hàng cấy bằng máy Kubota, cũng như cấy bằng tay kiểu truyền thống. Nhu cầu của đời sống rất lớn, thế nhưng giờ tình hình của các Trung tâm này ở cả nước nói chung và Hà Nội nói lại chậm trễ, thậm chí thụt lùi. Tại sao như thế?

    Có rất nhiều lý do giải thích cho việc đó: Sự thay đổi trong chính sách phát triển của các địa phương bắt buộc Kubota cũng phải thay đổi để hỗ trợ phù hợp hơn cho các chủ trung tâm mạ khay; Sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19; Mô hình vẫn chưa được các địa phương nhân rộng, thậm chí chưa nhận được sự quan tâm đúng mực của các cơ quan chính quyền.

    Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang hỏi chủ cơ sở mạ khay, máy cấy. Ảnh: Dương Đình Tường

    Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang hỏi chủ cơ sở mạ khay, máy cấy. Ảnh: Dương Đình Tường

    Hà Nội có những chính sách hỗ trợ cho cơ giới hóa đồng bộ nhưng thực tế việc áp dụng chính sách đó vào mạ khay, máy cấy để giải phóng công lao động nặng nhọc của nông dân ra sao? Theo bà ước tính Hà Nội hiện nay tỷ lệ mạ khay, cấy máy đạt chừng bao nhiêu phần trăm, huyện nào là làm tốt nhất?

    Chưa thật sự có nhiều người tâm huyết để tận dụng chính sách cho phát triển mạ mô hình mạ khay cấy máy. Vẫn còn một số hợp tác xã (HTX) mua máy chủ yếu vì chính sách. Mà mua vì có chính sách thì làm sao có thể phát triển được?

    Tỷ lệ mạ khay cấy máy ở Hà Nội hiện nay tôi ước vào khoảng 2-2,5%. Và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phú Hưng có địa chỉ ở thôn Thụy Phú, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên là Trung Tâm mạ khay theo tiêu chuẩn Kubota làm tốt nhất Hà Nội hiện nay. Số lượng khay mạ đơn vị này sản xuất mỗi vụ từ 15 – 17 vạn, số lượng máy cấy hiện có 11 cái công suất lớn (Kubota 6 CMD máy cấy ngồi lái, 6 hàng và 12 tay cấy).

    Hà Nội thời cao điểm nhất có 14 Trung tâm mạ khay máy cấy đạt tiêu chuẩn Kubota, giờ chỉ còn 8 cái hoạt động. Những Trung tâm mạ khay máy cấy này hoạt động tốt là vì có người đứng đầu tâm huyết, tự đầu tư để phát triển, biết tận dụng thêm chính sách hỗ trợ (nếu có) vào đúng mục đích.

    “Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những câu chuyện đáng tiếc cho những HTX Dịch vụ Nông nghiệp khác phải bỏ dở chừng vì không quản lý được. Ban đầu động lực của họ khi thành lập Trung tâm mạ khay máy cấy là vì có hỗ trợ, sau đó sự hỗ trợ không đều, nhỏ giọt, ngắt quãng… nên nhiều cá nhân, HTX phải bỏ dở chừng”. Bà Trương Thị Hạnh-Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Chính Đạt

    Câu chuyện của huyện Phú Xuyên

    Huyện Phú Xuyên, TP Hà nội từng ồ ạt đưa mạ khay, máy cấy vào rồi sau đó giảm cũng nhanh không kém là vì sao thưa bà?

    Vì huyện này chưa đồng bộ bộ các khâu, vì máy cấy đưa vào bị sai cách. Đồng ruộng của Phú Xuyên rất lầy, thụt phải đưa máy cấy ngồi lái với khả năng vượt lầy nổi trội thì mới phù hợp thì lại đưa các máy công suất nhỏ, dạng dắt tay. Rồi vì các khâu khác không đồng bộ như thủy lợi, con người, thời vụ, giống, làm mạ…dẫn đến kém hiệu quả, chậm phát triển và tụt lùi. Với những máy cấy công suất nhỏ của huyện Phú Xuyên vì không phù hợp với đồng đất, sau một thời gian hoạt động không hiệu quả đã bị hỏng hóc rất nhiều và hiện không thể khắc phục, sử dụng được nữa.

    Máy cấy xuống đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

    Máy cấy xuống đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

    Nhìn ra các tỉnh bạn như Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình…thì họ có những chính sách cụ thể thế nào để phát triển mạ khay máy cấy thưa bà?

    Tỉnh Bắc Ninh đã ra Nghị quyết 147/2018 trong đó có chính sách hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/máy móc, thiết bị hoặc 50% kinh phí cho các máy móc, thiết bị có giá trị dưới 50 triệu đồng. Và một số chính sách đặc thù của địa phương huyện, xã như hỗ trợ các hộ dân cấy máy 50.000/sào (360m2)…

    Việc một số Trung tâm mạ khay máy cấy ở các tỉnh hoạt động tương đối hiệu quả là do tỉnh đó có chính sách tốt, do lãnh đạo đơn vị năng động hay do cả hai thưa bà?

    Do người đứng đầu tâm huyết, nỗ lực trong khâu quản lý, điều phối và quyết tâm làm mạ khay, máy cấy đến cùng. Tư duy của người đứng đầu rất quan trọng trong việc quyết định sự phát triển của mỗi trung tâm. Đồng thời chính sách hỗ trợ kịp thời của địa phương sẽ thúc đẩy các trung tâm mạnh dạn đầu tư và phát triển hiệu quả.

    Nguồn: https://nongnghiep.vn/

    Tác giả: Dương Đình Tường (Thực hiện)

    CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ CHÍNH ĐẠT
    Hotline:0976.066.599 – 0986.955.000
    Địa chỉ 1: Km6, Quốc lộ 3, Tiên Hội, Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội
    Địa chỉ 2: Thôn Bảo Lộc 1, Phường Thanh Châu, Tp.Phủ Lý, Hà Nam
    Địa chỉ 3: Khu dân cư thôn Mỹ Cầu, Xã Tân Mỹ, Tp.Bắc Giang, Bắc Giang

    Theo dõi chúng tôi qua các kênh sau để cập nhật thông tin mới nhất
    Facebook: https://www.facebook.com/kubotachinhdat/
    Zalo: https://zalo.me/2126175927250906570
    Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCy3eHDPuad7FGDqD1hvErMA?view_as=subscriber

    Bình luận

    KUBOTA CHÍNH ĐẠT

    Copyright 2019 - 2020 Kubota Chinh Dat. All Rights Reserved